Những phương pháp điều trị bệnh glocom cấp hiệu quả nhất
Glocom là thuật ngữ dùng để chỉ một nhóm bệnh làm tổn hại đến dây thần kinh thị giác và làm mất thị lực. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự phát triển của glocom, trong đó có một số yếu tố chưa được xác định. Tuy nhiên, tăng nhãn áp là một trong những nguy cơ chính gây ra.
Những phương pháp điều trị bệnh glocom cấp hiệu quả nhất
Bệnh glocom cấp nếu không được chẩn đoán và chữa trị kịp thời sẽ làm tổn thương nặng nề đến mắt. Người bệnh có thể mất thị lực vĩnh viễn nếu có chuyển biến xấu. Do đó, thời điểm nhận biết bệnh và phương pháp chữa là hai yếu tố vô cùng quan trọng để quá trình điều trị đạt hiệu quả nhất.
Chẩn đoán bệnh glocom bằng cách nào?
Glocom là thuật ngữ dùng để chỉ một nhóm bệnh làm tổn hại đến dây thần kinh thị giác và làm mất thị lực. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự phát triển của glocom, trong đó có một số yếu tố chưa được xác định. Tuy nhiên, tăng nhãn áp là một trong những nguy cơ chính gây ra.
Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ cần dựa trên các triệu chứng lâm sàng, sau đó tiến hành các bước dưới đây:
- Đánh giá thị lực của bệnh nhân
- Soi góc tiền phòng, ước lượng độ sâu góc tiền phòng bằng nghiệm pháp Henrick
- Đo nhãn áp
- Đo thị trường
- Soi đáy mắt hoặc chụp OCT bán phần sau (chụp cắt lớp gai thị, đánh giá lớp sợi thần kinh võng mạc)
Bệnh glocom cấp được chẩn đoán qua đo nhãn áp và một số thủ tục liên quan
Bệnh glocom cần được phát hiện vào giai đoạn sớm, bởi khi bệnh trở nặng thì mắt khó có thể sáng lại như xưa. Quan tâm và khám mắt thường xuyên là điều cần thiết để bạn phát hiện sớm các dấu hiệu của glocom. Từ đó, việc chẩn đoán bệnh sẽ thêm phần dễ dàng.
Phương pháp điều trị glocom cấp hiệu quả
Phương pháp điều trị glocom phụ thuộc vào hình thái bệnh góc đóng hoặc góc mở. Có 3 phương pháp chính để điều trị glocom, bao gồm: Sử dụng thuốc, điều trị bằng laser và phẫu thuật. Nội dung dưới đây sẽ làm rõ từng phương pháp.
Điều trị bằng thuốc
Thuốc đặc trị bệnh glocom được chia thành nhiều nhóm, dựa trên cấu trúc hóa học và tác dụng dược lý của chúng. 6 nhóm thuốc thường được sử dụng là:
- Các thuốc hủy beta – adrenergic:
- Cơ chế điều trị: Làm hạ nhãn áp bằng cách ức chế tiết thủy dịch. Thuốc chỉ có tác dụng trong vòng 12-24 giờ với tần suất tra thuốc là 1-2 lần/ngày.
- Tác dụng phụ: Làm chậm nhịp tim, tăng bloc tim, hạ huyết áp và hen
- Chỉ định: Phù hợp với mọi hình thái glocom, bao gồm cả glocom thứ phát
- Các thuốc cường Adrenergic:
- Cơ chế điều trị: Làm lưu thông thủy dịch qua vùng bè và đường màng bồ đào, củng mạc. Thuốc phát huy hiệu quả chậm và chỉ làm giảm áp suất 22-28% so với tình trạng hiện thực, nên thường được dùng kết hợp với các nhóm thuốc khác.
- Tác dụng phụ: Đau đầu, tăng huyết áp, tim đập nhanh, viêm kết mạc dị ứng
- Chỉ định: Glocom góc mở
- Chống chỉ định: Glocom góc đóng
- Thuốc cường Cholinergic (giống đối giao cảm):
- Cơ chế điều trị: Làm co cơ thể mi, kéo cựa củng mạc và vùng bè để làm tăng lưu thông thủy dịch; di chuyển mống mắt ra xa vùng bè trong loại glocom góc đóng. Sau 10-15 phút tra, thuốc sẽ phát huy tác dụng và kéo dài trong vài giờ nên bệnh nhân phải lặp lại nhiều lần trong ngày.
- Chỉ định: Glocom nguyên phát, góc đóng và góc mở
- Chống chỉ định: Glocom thứ phát do viêm màng bồ đào, glocom ác tính, trường hợp sa lệch thủy tinh thể, dị ứng với pilocarpin
Thuốc cường Cholinergic được chỉ định cho Glocom nguyên phát, góc đóng và góc mở
- Thuốc nhóm Prostaglandin:
- Cơ chế điều trị: Làm hạ nhãn áp qua việc tăng lưu thông thủy dịch. Thuốc có tác dụng sau khi tra khoảng 2 giờ và đạt hiệu quả cao nhất sau 12 giờ.
- Tác dụng phụ: Xung huyết kết mạc, viêm bờ mi, thay đổi sắc tố mống mắt, thay đổi màu sắc và lượng lông mi
- Chỉ định: Glocom góc mở
- Chống chỉ định: Glocom góc đóng, glocom tân mạch, glocom do viêm màng bồ đào, phụ nữ có thai và đang cho con bú
- Thuốc ức chế anhydraza cacbonic:
- Cơ chế điều trị: Làm giảm khoảng 40-60% thủy dịch bằng cách ức chế men anhydraza cacbonic trong thể mi. Thuốc sẽ có tác dụng trong vòng 6 giờ.
- Chỉ định: Glocom cấp
- Chống chỉ định: Người có bệnh lý phổi nghiêm trọng, sỏi thận, dị ứng với Acetazolamide
- Thuốc tăng thẩm thấu:
- Cơ chế điều trị: Tăng áp lực thẩm thấu của máu, từ đó tạo ra lớp gradien thẩm thấu giữa máu và dịch kính, rút nước từ dịch kính để làm hạ nhãn áp
- Tác dụng phụ: Cao huyết áp, đau đầu, phù phổi, tim xung huyết
- Chỉ định: Hỗ trợ hạ nhãn áp tức thì
- Chống chỉ định: Thiểu niệu và vô niệu
Điều trị bằng laser
Bao gồm hai hình thức:
Tạo hình vùng bè bằng laser điều trị glocom góc mở:
Phương pháp sử dụng kỹ thuật mở bè bằng laser argon. Hiệu quả trong thời gian đầu sau khi thực hiện khá cao, nhưng sẽ giảm dần theo thời gian. Trên thực tế, sự thành công của laser phụ thuộc vào một vài yếu tố như hình thái bệnh hay tuổi của người bệnh.
Laser điều trị glocom góc đóng:
Phương pháp áp dụng kỹ thuật tạo đường đi ra tiền phòng cho dịch thủy bị nghẽn ở hậu phòng, nhờ đó mống mắt sẽ tách xa vùng bè. Những biến chứng người bệnh có thể gặp phải là bỏng giác mạc, viêm mống mắt, rách bao của thủy tinh thể, lỗ cắt bị bịt lại. Tuy nhiên, tỷ lệ xảy ra biến chứng không nhiều.
Điều trị bằng phẫu thuật
7 cách phẫu thuật được áp dụng trong điều trị glocom cấp hiện nay:
Cắt mống mắt chu biên:
Phẫu thuật được yêu cầu thực hiện tại cơ sở có trang bị máy laser. Mục đích của ca mổ là tạo đường cho thủy dịch đi ra ngoài từ hậu phòng, đi tới tiền phòng. Từ đó, vấn đề nghẽn đồng tử sẽ được giải quyết.
Cắt bè củng giác mạc (trabeculectomy):
Phẫu thuật cắt bè củng giác mạc được mô tả lần đầu vào năm 1968. Hiện nay, cách mổ trên đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới. Nó được đánh giá cao bởi khả năng điều trị cả glocom góc đóng, glocom góc mở, glocom thứ phát và glocom bẩm sinh.
Cắt bè củng giác mạc điều trị được cả glocom góc đóng, góc mở, thứ phát và glocom bẩm sinh
Phẫu thuật cắt củng mạc sâu không xuyên thủng:
Phẫu thuật cắt củng mạc bắt đầu được thực hiện từ năm 1964 và dần được cải tiến, hoàn thiện vào những năm sau đó. Ngày nay tại một số nước, cắt củng mạc sâu được coi là phương pháp chính để điều trị glocom góc mở. So với phẫu thuật cắt bè, cắt củng mạc sâu không mở nhãn cầu nên sẽ hạn chế được một vài biến chứng nhất định như xẹp tiền phòng, xuất huyết tiền phòng, nhiễm trùng bong hắc mạc…
Kẹt củng mạc dưới vạt củng mạc:
Phẫu thuật viên dựa trên cơ sở sử dụng mẩu củng mạc tự thân để làm kênh khe củng mạc giúp thủy dịch lưu thông dễ dàng. Vào năm 1980, hai bác sĩ người Việt đã đề xuất kỹ thuật "kẹt củng mạc dưới vạt củng mạc 3 lớp", nhằm điều trị glocom góc mở, góc đóng và mổ kết hợp đục thủy tinh thể. Hầu hết các ca mổ đều cho kết quả tốt và ít xảy ra biến chứng.
Phẫu thuật tách thể mi:
Phẫu thuật tách thể mi không được thực hiện phổ biến. Chúng thường được chỉ định cho bệnh nhân không còn thủy tinh thể, không phù hợp với phẫu thuật lỗ rò. Nhược điểm của phương pháp trên là nguy cơ gặp biến chứng cao.
Đặt ống dẫn lưu:
Đặt ống dẫn lưu chỉ chỉ định cho các trường hợp:
- Glocom nguyên phát nhưng nhãn áp không cần điều chỉnh sau phẫu thuật cắt bè
- Ca bệnh phức tạp, đã mổ cắt bè, không sử dụng thuốc chống phân bào, nhãn áp không điều chỉnh
- Mắt có sẹo kết mạc, đã can thiệp kết mạc nên không còn diện tích phẫu thuật
- Glocom bẩm sinh, phẫu thuật không thành công
Phẫu thuật giảm tiết thuỷ dịch:
Phẫu thuật tiêu hủy một phần thể mi, sau đó ức chế sự chế tiết của biểu mô sắc tố thể mi. Giảm tiết thủy dịch chỉ dành cho bệnh nhân đã mở lỗ rò nhưng thất bại, bệnh ở giai đoạn cuối hoặc ca bệnh phức tạp. Trong các cách làm lạnh, điện đông, laser, siêu âm thì đông lạnh thể mi là được áp dụng nhiều nhất.
Nhìn chung, lựa chọn phương pháp điều trị cần chú ý tới 3 điều: Ít nguy cơ biến chứng, ít tác dụng phụ và ít gây khó khăn cho người bệnh trong cuộc sống. Hai hình thái glocom góc đóng và glocom góc mở có hai phương hướng điều trị hoàn toàn khác nhau. Người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ trong thời gian chữa bệnh.
Như vậy, bài viết đã đưa ra 3 phương pháp xử lý bệnh glocom cấp. Bệnh không thể khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát và đưa mắt trở lại trạng thái bình thường. Hơn hết, người bệnh nên chú ý nhiều hơn tới sức khỏe của mắt và đi khám định kỳ đầy đủ, để đảm bảo cho chất lượng của thị lực.
>>> xem thêm: Bệnh glocom là gì? Nguyên nhân và triệu chứng của glocom
>>> xem thêm:Mắt bị cườm là gì? Nguyên nhân và phương pháp điều trị