CÁC LOẠI TẬT KHÚC XẠ - BIỂU HIỆN VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH

 

Tật khúc xạ là hiện tượng rối loạn mắt phổ biến, là nguyên nhân hàng đầu gây suy giảm thị lực. Tật khúc xạ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó phần lớn là trẻ em (chiếm >70%). Đây là một nguy cơ rất lớn gây ảnh hưởng đến việc học tập, công tác cũng như các sinh hoạt thông thường hàng ngày của trẻ. 

 

  1. Tật khúc xạ là gì? 

Tật khúc xạ là từ chung chỉ các tật cận thị, viễn thị và loạn thị của mắt, trong đó chủ yếu là cận thị chiếm tỉ lệ khá cao trong cộng đồng. Theo các điều tra tại một số trường học ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tỉ lệ cận thị là từ 23% - 28%. Tật khúc xạ xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó phần lớn là trẻ em (chiếm >70%). Đây là một nguy cơ rất lớn gây ảnh hưởng đến việc học tập, công tác cũng như các sinh hoạt thông thường hàng ngày của trẻ. 

Con mắt của chúng ta như một máy ảnh với các thành phần quang học của mắt (gồm giác mạc, thể thủy tinh, dịch kính) hợp lại như một thấu kính hội tụ. Bình thường chúng ta có thể nhìn rõ hình ảnh của vật do hình ảnh của vật hội tụ đúng trên võng mạc. Lúc đó mắt được gọi là chính thị. 

Hình ảnh của vật trên mắt chính thị.                                                 Hình ảnh của vật trên mắt chính thị. 

Khi mắt bị tật khúc xạ tức là mắt có bệnh lý ở các thành phần quang làm cho ánh sáng đi vào mắt qua các thành phần này không tạo thành tiêu điểm rõ nét trên võng mạc, như vậy, mắt bị tật khúc xạ nhìn đồ vật sẽ bị nhòe, mờ, không rõ nét. 

  1. Tật khúc xạ bao gồm những bệnh gì? 

Cận thị là khi các tia sáng từ xa tới mắt hội tụ ở trước võng mạc (thay vì đúng trên võng mạc). Mắt cận thị nhẹ thường nhìn gần vẫn bình thường, nhưng nhìn xa không rõ. Cận thị có thể đơn độc hoặc kèm theo loạn thị. 

Hình ảnh của vật trên mắt cận thị.

                                                Hình ảnh của vật trên mắt cận thị. 

Viễn thị là khi các tia sáng từ xa tới mắt hội tụ ở sau võng mạc (thay vì đúng trên võng mạc). Mắt viễn thị nhẹ có thể nhìn bình thường nhưng thường bị mỏi mắt do điều tiết. Nếu viễn thị nặng thì nhìn các vật ở cả xa và gần đều mờ. Viễn thị có thể kèm theo loạn thị. 

Hình ảnh của vật trên mắt viễn thị.

                                                 Hình ảnh của vật trên mắt viễn thị. 

Loạn thị là khi các tia sáng tới mắt không hội tụ ở một điểm mà ở nhiều điểm khác nhau trên võng mạc (thường là do giác mạc có độ cong khác nhau giữa các kinh tuyến làm cho giác mạc không phải là dạng chỏm cầu thực sự). Mắt loạn thị nhìn vật bị mờ và biến dạng. Loạn thị có thể phối hợp với cận thị hoặc viễn thị 

Hình ảnh của vật trên mắt loạn thị. 

                                                Hình ảnh của vật trên mắt loạn thị. 

  1. Những nguyên nhân và yếu tố nguy cơ nào dẫn tới tật khúc xạ? 

- Do những thói quen xấu như tư thế ngồi học không đúng, cúi quá gần sách vở. 

- Do ánh sáng không đầy đủ. 

- Do chương trình và giờ học ngày càng tăng. 

- Trẻ em đặc biệt là những trẻ ở thành phố ngày càng được sớm tiếp cận với những trò chơi trên máy tính. 

- Các bậc cha mẹ chưa có thái độ đúng đắn và chưa thực sự chú trọng đến những tác hại của những vấn đề trên. 

  1. Biểu hiện khi có tật khúc xạ như thế nào? 

- Trẻ thường không nhìn rõ các vật ở xa, như đi học không nhìn rõ hoặc hay nhầm lẫn chữ viết trên bảng, khi xem ti vi thường hay nheo mắt hoặc phải lại gần mới xem rõ. 

- Khi có những biểu hiện đó cần cho trẻ đi khám bác sĩ sớm. Nên cho trẻ kiểm tra thị lực trước tuổi đến trường để phát hiện sớm tật khúc xạ và các bất thường khác ở mắt. 

  1. Tật khúc xạ điều trị như thế nào? 

5.1.Đeo kính 

- Những trường hợp tật khúc xạ nặng cần được phát hiện sớm, đeo kính đúng để tránh nhược thị cho trẻ, việc đeo kính sớm và đúng thường xuyên còn giúp thị giác của trẻ phát triển. 

- Những trẻ có chênh lệch khúc xạ lớn giữa hai mắt cũng cần được đeo kính đúng và đủ số, nên đeo kính thường xuyên để tránh nhược thị. 

- Đối với trường hợp loạn thị, việc đeo kính thường xuyên giúp cho mắt nhìn rõ và đỡ mệt mỏi, nhức đầu (vì mắt loạn thị luôn điều tiết), nhất là với các công việc cần nhìn gần. 

- Các tật khúc xạ nặng và kèm theo lác cũng cần đeo kính thường xuyên và bắt buộc. 

- Các tật khúc xạ nhẹ được hướng dẫn cụ thể từng trường hợp. 

- Trẻ bị tật khúc xạ nên tái khám mỗi 3 - 6 tháng. Tùy trường hợp mà các bác sĩ hoặc kỹ thuật viên khúc xạ sẽ có hướng dẫn cụ thể. 

Khi bị tật khúc xạ cần phải mang kính gọng đúng số như đã nói ở trên, nhưng vì một lý do gì đó, bệnh nhân không muốn dùng kính gọng thì có thể lựa chọn cách khác như đeo kính áp tròng. 

5.2. Phẫu thuật 

Nếu bệnh nhân trên 18 tuổi, không muốn đeo kính thì có thể lựa chọn phẫu thuật để điều trị tật khúc xạ. 

Phương pháp phẫu thuật phổ biến nhất hiện nay là sử dụng Laser. Đây là phương pháp có độ an toàn rất cao, có tính chính xác lớn, có thể điều trị độ cận thị từ -1,00D đến -15,00D; điều trị độ viễn thị từ +1,00 đến + 7,00D và độ loạn từ 1,00 đến 5,00D. Ngoài ra nó cũng có thể điều trị lão thị. 

5.3. Kính định hình giác mạc ban đêm Ortho - K

Ortho K là kính áp tròng ban đêm, khử độ cận tạm thời bởi khả năng chỉnh hình giác mạc. Phương pháp này sử dụng để trị cận thị cho người chưa đủ tuổi phẫu thuật (dưới 18 tuổi) hoặc người không muốn phẫu thuật.

Các bạn có thể tham khảo về phương pháp Ortho - K tại phòng khám Mắt Tuệ Anh. Tuệ Anh Eye Care tự hào là một trong số ít trung tâm Ortho - K ở Việt Nam được trang bị theo chuẩn Fargo Center (Mỹ).