THOÁI HOÁ HOÀNG ĐIỂM TUỔI GIÀ
Thoái hoá hoàng điểm tuổi già (còn gọi tắt là AMD) là nguyên nhân gây mù hàng đầu đối với người trên 50 tuổi ở các nước phát triển và là nguyên nhân gây mù quan trọng ở các nước đang phát triển.
Thoái hoá hoàng điểm tuổi già là bệnh lý liên quan đến quá trình lão hoá tại mắt, xảy ra tại vùng hoàng điểm là vùng võng mạc quan trọng nhất của mắt.
Bệnh diễn tiến qua nhiều giai đoạn:
1. Bệnh lý hoàng điểm liên quan đến tuổi: là thể bắt đầu của bệnh thoái hoá hoàng điểm tuổi già xuất hiện ở độ tuổi khoảng 50. Ở giai đoạn này, người bệnh thường không có triệu chứng gì, chỉ tình cờ phát hiện được khi khám mắt định kỳ hoặc khám vì nguyên nhân khác. Nếu bạn phát hiện bệnh ở giai đoạn này thì cần theo dõi sát
2. Thoái hoá hoàng điểm tuổi già: là giai đoạn toàn phát của bệnh với 2 thể lâm sàng:
- Thể khô: Thoái hoá hoàng điểm tuổi già thể khô thường gặp nhiều hơn so với thể tân mạch, chiếm tỷ lệ khoảng 90%. Điển hình là xuất hiện các vùng teo của võng mạc, các vùng teo này tiến triển lan rộng liên tục theo thời gian nhưng tốc độ chậm. Tuỳ theo vị trí vùng teo võng mạc mà thị lực giảm nhiều hay ít, tuy nhiên đến giai đoạn muộn thì thị lực giảm trầm trọng. Điều trị thể khô chủ yếu là chế độ ăn, thay đổi lối sống và dùng thuốc để làm chậm quá trình tiến triển của bệnh, quan trọng hơn là phải theo dõi định kỳ để phát hiện và điều trị sớm nếu xuất hiện tân mạch (vì tân mạch thường xuất hiện trong hình thái teo với tỷ lệ 10-20% trong vòng 5 năm).
- Thể ướt hay còn gọi là thể tân mạch: tuy thể này ít gặp hơn thể khô nhưng là nguyên nhân gây ra giảm thị lực trầm trọng và rất nhanh ở các bệnh nhân bị thoái hoá hoàng điểm tuổi già. Vì xuất hiện các mạch máu bất thường tại hoàng điểm gây ra dò dịch và máu vào võng mạc làm phá huỷ chức năng hoàng điểm nhanh. Nếu không điều trị các mạch máu bất thường này thì sớm hay muộn sẽ hình thành sẹo tại vùng võng mạc bị tổn thương và gây mất thị lực vĩnh viễn.
Vậy ai là người có nguy cơ bị thoái hoá hoàng điểm tuổi già (AMD)?
- Tuổi: tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng cao.
- Chủng tộc: Người da trắng có tỉ lệ AMD cao hơn so với các chủng tộc khác.
- Gen: Nếu bạn có người thân trong gia đình bị thoái hoá hoàng điểm tuổi già, đặc biệt là bố mẹ bạn thì nguy cơ mắc AMD của bạn đã cao hơn so với những người có tiền sử gia đình bình thường.
- Hút thuốc lá: Những người hút thuốc lá trên 10 bao 1 năm có nguy cơ mắc bệnh gấp 1.55 lần so với người khác.
- Chế độ ăn: chế độ ăn nhiều mỡ làm tăng nguy cơ tiến triển bệnh AMD. Chế độ ăn nhiều rau xanh, hoa quả đặc biệt là các loại có hàm lượng caroten cao đóng vai trò quan trọng để phòng bệnh.
- Chế độ tập luyện và thể trạng tim mạch: Chỉ số cơ thể BMI tăng và tăng huyết áp sẽ làm tăng nguy cơ bị bệnh AMD.
Các dấu hiện nghi ngờ bạn bị bệnh thoái hoá hoàng điểm tuổi già?
Nếu bạn trên 50 tuổi và tự nhiên xuất hiện nhìn mờ vùng trung tâm, nhìn hình biến dạng và thay đổi màu sắc thì bạn hãy nhanh chóng đến khám tại cơ sở nhãn khoa chuyên sâu về dịch kính – võng mạc. Tại đây, các bác sĩ sẽ tiến hành đo thị lực, đánh giá tổn thương vùng trung tâm bằng lưới Amsler, khám đáy mắt. Ngoài ra bạn cần phải làm xét nghiệm chụp cắt lớp võng mạc bằng máy chụp OCT và chụp mạch ký huỳnh quang.
Thoái hoá hoàng điểm tuổi già được điều trị như thế nào?
Trong tất cả các thể của bệnh lý hoàng điểm do tuổi thì thoái hoá hoàng điểm tuổi già thể tân mạch là nguy hiểm nhất vì nguy cơ mất thị lực nhanh và vĩnh viễn. Do đó, các nghiên cứu hiện nay đều tập trung việc phát hiện vào đánh giá hiệu quả của các phương pháp điều trị thoái hoán hoàng điểm tuổi già thể tân mạch để tìm ra phương pháp tốt nhất có thể tăng thị lực tối đa sau điều trị và khỏi bệnh.
Hiện nay, phương pháp tiêm thuốc ức chế yếu tố tăng sinh nội mạc (anti-VEGF) được cho làm phương pháp hiệu quả nhất vì thuốc tác động trực tiếp vào nguyên nhân gây bệnh (là các mạch máu bất thường). Có rất nhiều loại thuốc anti-VEGF như Avastin, Lucentis, Aflibecet nhưng để đạt hiệu quả điều trị tối đa bệnh nhân cần tuân thủ liệu trình điều trị đầy đủ vì thuốc chỉ có thời gian tác dụng trong 4 tuần, nên bệnh nhân cần được tiêm nhắc lại 1 tháng 1 lần cho đến khi đạt thị lực tối đa.
Chúng ta cần làm gì để phòng tiến triển bệnh thoái hoá hoàng điểm tuổi già?
- Khám mắt thường xuyên
- Chế độ ăn nhiều vitamin, khoáng chất và omega-3, caroten.
- Bỏ thuốc lá: Hút thuốc lá có hại cho không chỉ mắt mà là sức khoẻ của toàn bộ cơ thể.
- Kiểm soát tốt các bệnh lý toàn thân khác như tăng huyết áp, mỡ máu.
- Tập luyện thể thao thường xuyên và duy trì chỉ số BMI trong giới hạn bình thường.
Tìm hiểu thêm: Bệnh lý Lỗ hoàng điểm