PHẨU THUẬT BỆNH GLÔCÔM
Bệnh “Glôcôm” (dân gian gọi là bệnh thiên đầu thống) được dùng để gọi một nhóm bệnh lý của đầu dây thần kinh thị giác, tiến triển mạn tính, biểu hiện đặt trưng bởi tổn hại thị trường, lõm teo đĩa thị và thường liên quan đến tình trạng nhãn áp cao. Đây là căn bệnh nguy hiểm, thường gây đau nhức, mất thị lực, có thể gây mù vĩnh viễn.
Bệnh glôcôm là gì?
Thuật ngữ bệnh “Glôcôm” (dân gian gọi là bệnh thiên đầu thống) được dùng để gọi một nhóm bệnh lý của đầu dây thần kinh thị giác, tiến triển mạn tính, biểu hiện đặt trưng bởi tổn hại thị trường, lõm teo đĩa thị và thường liên quan đến tình trạng nhãn áp cao. Đây là căn bệnh nguy hiểm, thường gây đau nhức, mất thị lực, có thể gây mù vĩnh viễn.
Theo số liệu điều tra năm 2015 tại Việt Nam cho thấy, Glôcôm là nguyên nhân thứ 3 gây mù sau đục thể thủy tinh và các bệnh đáy mắt với tỉ lệ là 4%. Tỉ lệ người mắc bệnh Glôcôm là 2,1% dân số trên 40 tuổi.
Bệnh gồm có 2 thể là glôcôm góc đóng và glôcôm góc mở. Hiện cơ chế bệnh sinh vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng nên rất khó phòng ngừa bệnh. Bệnh nhân khi đã mắc bệnh glôcôm nhất thiết phải đi khám định kỳ, được các bác sỹ nhãn khoa tư vấn, theo dõi thường xuyên nhằm hạn chế tối đa việc tổn hại về thực thể và chức năng thị giác.
Bệnh glôcôm có mổ được không?
Rất nhiều bệnh nhân và người nhà thắc mắc rằng bệnh glôcôm có mổ được không? Câu trả lời là có. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng cần phải mổ. Vậy khi nào mắt bị glôcôm cần thiết phải mổ? Và có thể mổ bằng phương pháp nào?
- Khi nào mắt bệnh glôcôm cần phải mổ?
Bệnh glôcôm ở thể nhẹ hoặc mới phát hiện thường ưu tiên điều trị bằng thuốc hoặc laser. Người bệnh cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ, sử dụng thuốc hạ nhãn áp đều đặn hàng ngày kết hợp với chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Tuy nhiên, nếu việc sử dụng thuốc lâu ngày không có tác dụng, bạn sẽ phải tiến hành phẫu thuật.
Trường hợp thứ hai cần mổ mắt glôcôm là khi bệnh đã ở giai đoạn nặng, dây thần kinh thị giác bị tổn thương nghiêm trọng. Để tránh nguy cơ mù lòa, người bị bệnh cần phải tiến hành phẫu thuật nhằm hạn chế tối đa nguy cơ tiến triển bệnh.
Ngoài ra, những người bị tăng nhãn áp góc đóng cũng thường được lựa chọn phẫu thuật do đáp ứng rất hạn chế với việc điều trị bằng thuốc.
- Các phương pháp phẫu thuật điều trị bệnh Glôcôm:
Hiện nay có rất nhiều phương pháp phẫu thuật được sử dụng để điều trị bệnh lý glôcôm. Các bác sĩ sau khi chẩn đoán bệnh nsẽ lựa chọn phương pháp phù hợp với từng thể bệnh và giai đoạn bệnh. Các phương pháp phẫu thuật chính bao gồm:
- Phẫu thuật giúp phục hồi lại con đường dẫn lưu sinh lý của thủy dịch: phẫu thuật mở góc, phẫu thuật rạch bè, phẫu thuật tách dính góc tiền phòng.
- Phẫu thuật tạo đường rò thủy dịch: phẫu thuật lỗ rò kinh điển: phẫu thuật cắt bè, phẫu thuật cắt củng mạc sâu, hay các phẫu thuật tạo đường rò nhân tạo: phẫu thuật đặt ống-van dẫn lưu tiền phòng.
- Phẫu thuật phá hủy vùng thể mi giúp giảm tiết thủy dịch: phẫu thuật quang đông thể mi, phẫu thuật lạnh đông thể mi, tuy nhiên các phẫu thuật này thường gây phá hủy vùng thể mi nặng nề, khó kiểm soát, có thể dẫn tới teo nhãn cầu nên thường được chỉ định điều trị bệnh lý glôcôm giai đoạn cuối đã thất bại với các phương pháp điều trị khác. Ngày nay các phẫu thuật quang đông thể mi hiện đại sử dụng năng lượng dưới ngưỡng, hoặc sử dụng laser vi xung giúp phẫu thuật trở lên an toàn hơn và mở rộng chỉ đinh điều trị bệnh với các giai đoạn sớm hơn.
Mổ glôcôm có nguy hiểm không?
Bất cứ cuộc phẫu thuật nào cũng tiềm ẩn những nguy cơ và rủi ro nhất định. Sau khi mổ mắt điều trị glôcôm, người bệnh có thể gặp phải biến chứng như: mắt mờ, nhiễm trùng mắt, chảy máu mắt, đục thủy tinh thể, mù mắt. Tuy nhiên, trường hợp xảy ra biến chứng là rất ít. Các phương pháp mổ mắt trị glôcôm hiện nay được đánh giá là khá an toàn. Bạn nên tiến hành phẫu thuật tại các bệnh viện lớn và uy tín, có đầy đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật, giúp cho việc điều trị được tiến hành thuận lợi.
Theo dõi và điều trị sau mổ như thế nào?
Sau khi tiến hành mổ mắt, bệnh nhân sẽ phải nằm viện theo dõi vài ngày tùy tình trạng bệnh. người bệnh sẽ được đo nhãn áp, thị lực, theo dõi các biến chứng hậu phẫu có thể gặp như chảy máu, nhiễm trùng, phản ứng viêm...