BỆNH GLÔCÔM - ĐIỀU TRỊ NHƯ THẾ NÀO?

 

Cho đến nay bệnh glocom vẫn được coi là một bệnh mạn tính và không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Bệnh sẽ tiến triển dần theo thời gian dẫn đến mất thị lực. Do đó mục tiêu hàng đầu của việc điều trị glocom là nhằm mục đích duy trì được thị lực tối đa cho bệnh nhân.

 

 Tùy vào tình trạng cụ thể của bệnh, bệnh nhân sẽ được các bác sĩ chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp bao gồm: tra thuốc hạ nhãn áp, can thiệp Laser hoặc phẫu thuật điều trị Glôcôm.

 1. Laser điều trị Glôcôm:

Các phương pháp laser có thể tiến hành đơn độc hoặc phối hợp với biện pháp điều trị khác để đạt được nhãn áp đích cho bệnh nhân. Có nhiều phương pháp Laser, tùy theo thể bệnh của bệnh nhân, các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp laser điều trị phù hợp:

     - Laser cắt mống mắt chu biên: là phương pháp laser phổ biến giúp điều trị và dự phòng cho những trường hợp Glôcôm góc đóng

     - Laser tạo hình chân mống mắt: kết hợp với laser cắt mống mắt chu biên tăng cường hiệu quả trong điều trị hình thái bệnh lý Glôcôm mống mắt phẳng.

     - Laser tạo hình vùng bè chọn lọc: giúp tái hoạt lại chức năng vùng bè trong trường hợp Glôcôm góc mở.

     - Laser vi xung: giúp phá hủy tế bào tiết dịch thể mi chọn lọc với liều điều chỉnh được giúp điều trị cả Glôcôm góc mở và Glôcôm góc đóng.

 

 2. Phẫu thuật điều trị Glôcôm:

Phẫu thuật trong điều trị bệnh lý Glôcôm nhằm mục đích giải phóng tình trạng tắc nghẽn thủy dịch trong mắt hoặc tạo ra con đường lưu thông thủy dịch mới giúp hạ nhãn áp cho bệnh nhân. Có nhiều loại phẫu thuật tùy thuộc vào từng thể bệnh Glôcôm khác nhau:

- Phẫu thuật Phaco lấy thủy tinh thể và đặt IOL nhân tạo:

Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng việc loại bỏ thủy tinh thể đơn thuần có thể làm giảm áp lực mắt vì bản thân thủy tinh thể có thể cản trở dòng chảy của thủy dịch dẫn đến tình trạng tăng nhãn áp. Vì vậy bệnh nhân bị Glôcôm có kèm theo đục thủy tinh thể các bác sĩ có thể cân nhắc lấy thể thủy tinh thể sớm cho bệnh nhân giúp ngăn chặn sự tiến triển của bệnh Glôcôm.

- Phẫu thuật Glôcôm ít xâm lấn (MIGS)

Đây đang trở thành xu hướng điều trị hiện nay trên thế giới. Với một loạt các phương pháp điều trị phẫu thuật Glôcôm bằng cách đặt các thiết bị dẫn lưu nhỏ vào vùng bè hoặc trực tiếp vào góc tiền phòng nhằm dẫn lưu dịch ra khỏi tiền phòng với đường mổ rất nhỏ đem lại hiệu quả điều trị cao, và hạn chế tối đa các biến chứng.

- Phẫu thuật đặt van dẫn lưu tiền phòng:

Một thiết bị cấy ghép có thể có van hoặc không được đặt qua vùng góc vào tiền phòng nhằm dẫn lưu thủy dịch đi ra ngoài giúp duy trì nhãn áp ở mức độ cho phép, phẫu thuật này thường phối hợp với phẫu thuật lấy thủy tinh thể nhân tạo nhằm đảm bảo tiền phòng có đủ độ sâu cần thiết và tránh các biến chứng với thủy tinh thể.

- Phẫu thuật lỗ rò:

Đây là những phẫu thuật khá kinh điển, bao gồm các phẫu thuật cắt bè hoặc cắt củng mạc sâu, được chỉ định tùy theo hình thái Glôcôm góc đóng hay góc mở nhằm tạo một đường lưu thông thủy dịch mới ra khoang dưới kết mạc giúp hạ nhãn áp.

- Phẫu thuật hủy thể mi:

Phẫu thuật lạnh đông hoặc quang đông thể mi, áp dụng với những trường hợp Glôcôm quá nặng, mắt mất chức năng và đã thất bại với các phương pháp điều trị khác. Phẫu thuật làm tiêu hủy các tế bào sản xuất thủy dịch dẫn đến hạ nhãn áp, thậm chí có thể teo nhãn cầu.

Tuệ Anh Eye Care tự hào là một trong các cơ sở nhãn khoa hàng đầu có các bác sĩ có chuyên môn sâu về điều trị bệnh lý glocom. Đến với phòng khám, bệnh nhân sẽ được các bác sĩ khám, tư vấn, và lựa chọn phương pháp điều trị tối ưu nhất với từng trường hợp bệnh cụ thể. Với mục tiêu bảo vệ nguồn thị lực quý giá của bệnh nhân, Tuệ Anh Eye Care sẽ luôn đồng hành với bệnh nhân trong cuộc chiến dai dẳng chống lại căn bệnh glocom.

 

Tìm hiểu thêm: Cách thức phát hiện bệnh Glôcôm