Bệnh Glôcôm –Ai nguy cơ cao mắc?

 

Thuật ngữ bệnh “Glôcôm” (dân gian gọi là bệnh thiên đầu thống) được dùng để gọi một nhóm bệnh lý của đầu dây thần kinh thị giác, tiến triển mạn tính, biểu hiện đặt trưng bởi tổn hại thị trường, lõm teo đĩa thị và thường liên quan đến tình trạng nhãn áp cao.

 

Bệnh Glôcôm là gì?

Thuật ngữ bệnh “Glôcôm” (dân gian gọi là bệnh thiên đầu thống) được dùng để gọi một nhóm bệnh lý của đầu dây thần kinh thị giác, tiến triển mạn tính, biểu hiện đặt trưng bởi tổn hại thị trường, lõm teo đĩa thị và thường liên quan đến tình trạng nhãn áp cao. Đây là căn bệnh nguy hiểm, thường gây đau nhức, mất thị lực, có thể gây mù vĩnh viễn.

 

Bệnh Glôcôm có những thể nào?

Có nhiều cách để phân loại bệnh Glôcôm: trong đó dựa vào độ mở của góc tiền phòng người ta chia bệnh Glôcôm thành 2 thể chính: Glôcôm góc mở và Glôcôm góc đóng. Ngoài ra dựa vào nhãn áp người ta còn phân chia thành Glôcôm nhãn áp bình thường và Glôcôm nhãn áp cao.

 

Yếu tố nguy cơ mắc bệnh Glôcôm

  1. Glôcôm góc đóng:
  • Tuổi: thường xuất hiện ở người 35 tuổi trở lên, tuổi càng cao thì khả năng mắc Glôcôm càng lớn.
  • Giới tính: tỉ lệ nữ bị Glôcôm góc đóng nhiều hơn nam giới, gấp 3-4 lần tùy từng nghiên cứu, đặc biệt là nữ ở giai đoạn mãn kinh.
  • Những người có yếu tố thuận lợi: nhãn cầu nhỏ, người bị viễn thị nặng, hay những người dễ xúc cảm, hay lo âu là những cơ địa thuận lợi để xuất hiện cơn Glôcôm.
  • Yếu tố gia đình: nếu trong gia đình bạn có người mắc bệnh Glôcôm góc đóng thì những người còn lại trong gia đình cũng sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh Glôcôm, do đó việc khám sàng lọc mắt cho nhưng người thân của bệnh nhân Glôcôm là rất quan trọng để chấn đoán sớm và phòng bệnh.
  1. Glôcôm góc mở:
  • Tuổi: Glôcôm góc mở thường gặp ở người trẻ tuổi hơn Glôcôm góc đóng.
  • Các yếu tố thuận lợi: mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp, đục thủy tinh thể quá chín, viêm màng bồ đáo, chấn thương.
  • Những người có tiền sử dùng thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc toàn thân có chứa corticoid kéo dài cũng có nguy cơ cao mắc bệnh Glôcôm góc mở.
  • Cận thị nặng: những người cận thị nặng có nguy cơ mắc Glôcôm góc mở cao hơn so với người bình thường do nhãn cầu giãn, đầu dây thần kinh bị biến dạng, mặt khác ở người cận thị có giác mạc mỏng nên khó phát hiện được tăng nhãn áp.
  • Ngưng thở khi ngủ: những người bị ngáy hoặc ngưng thở khi ngủ có nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp cao gấp 10 lần. Điều này có luên quan đến giảm tưới máu oxy dây thần kinh thị giác khi ngủ.

 

Nếu bạn có một trong các yếu tố dễ mắc bệnh trên, nên đi khám sàng lọc sớm bệnh lý Glôcôm tại các cơ sở có chuyên môn sâu nhãn khoa. Tại đây các bác sĩ giúp bạn phát hiện và loại trừ bệnh lý Glôcôm. Việc phát hiện và điều trị sớm có ý nghĩa quyết định trong việc bảo vệ thị lực cho bệnh nhân.

Tìm hiểu thêm: Các triệu chứng bệnh Glôcôm