XUẤT HUYẾT DỊCH KÍNH

XUẤT HUYẾT DỊCH KÍNH

Xuất huyết dịch kính có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Bong dịch kính sau có hoặc không rách võng mạc có thể gây xuất huyết dịch kính do co kéo mạch máu võng mạc. Vỡ tân mạch dịch kính-võng mạc trong bệnh võng mạc đái tháo đường, tắc tĩnh mạch võng mạc hoặc các bệnh võng mạc tăng sinh khác gây xuất huyết dịch kính. Các nguyên nhân khác của xuất huyết dịch kính: tân mạch hắc mạc, chấn thương, cao huyết áp, bệnh máu (rối loạn đông máu, bệnh bạ

  1. Định nghĩa:

Xuất huyết dịch kính là sự tràn máu vào dịch kính

  1. Nguyên nhân

Xuất huyết dịch kính có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Bong dịch kính sau có hoặc không rách võng mạc có thể gây xuất huyết dịch kính do co kéo mạch máu võng mạc. Vỡ tân mạch dịch kính-võng mạc trong bệnh võng mạc đái tháo đường, tắc tĩnh mạch võng mạc hoặc các bệnh võng mạc tăng sinh khác gây xuất huyết dịch kính. Các nguyên nhân khác của xuất huyết dịch kính: tân mạch hắc mạc, chấn thương, cao huyết áp, bệnh máu (rối loạn đông máu, bệnh bạch cầu, bệnh hồng cầu hình liềm…), u hắc võng mạc…

3. Chẩn đoán

3.1. Chẩn đoán xác định

3.1.1. Lâm sàng

Cơ năng:

- Bệnh nhân nhìn mờ với từng mức độ và vị trí XHDK: có thể không mờ, mờ ít nhìn thấy các chấm đen, vết đen di động trước mắt trong tường hợp XHDK nhẹ hay trung bình

- Thị lực giảm nhiều, đột ngột khi xuất huyết nặng.

- Các triệu chứng khác: bệnh nhân nhìn thấy ruồi bay, chớp sáng, màn che màu đỏ...

Thực thể

* Khám mắt với đồng tử giãn tối đa:

- Ánh đồng tử tối.

- Khám bằng đèn khe sinh hiển vi có thể thấy các tế bào máu đỏ ở mặt sau thể thuỷ tinh và trong phần dịch kính trước, ngay sau thể thuỷ tinh. Nếu máu dịch kính không tiêu sau vài tuần, máu sẽ mất hemoglobin và trở nên có màu xám hoặc trắng.

- Soi đáy mắt:

  + Nhẹ: soi thây vẩn đục lơ lửng khu trú hay toả lan nhưng vẫn soi được đáy mắt toàn bộ hay một phần, có thể phát hiện được nguyên nhân gây chảy máu: rách võng mạc làm đứt mạch máu, bệnh mạch máu võng mạc, tân mạch võng mạc, tình trạng lồng bao mạch máu trong bệnh xuất huyết dịch kính tái phát ở người trẻ, thoái hoá hoàng điểm, u nội nhãn...

+ Nặng : không soi được đáy mắt, toàn bộ buồng dịch kính bị đục, bị các chất lạ chiếm giữ

- Cần khám cả đáy mắt mắt kia vì có thể phát hiện những yếu tố cần thiết để chẩn đoán bệnh căn.

- Khám toàn thân: khám tim mạch, xét nghiệm máu…để phát hiện cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh máu…

 

3.1.2. Cận lâm sàng

Siêu âm đánh giá tình trạng dịch kính và võng mạc đặc biệt khi máu dịch kính nhiều, không soi được đáy mắt.

Chụp mạch ký huỳnh quang có thể sử dụng trong trường hợp xuất huyết dịch kính ít hay khu trú ở 1 phần để chẩn đoán được các nguyên nhân gây xuất huyết như bệnh võng mạc tiểu đường, võng mạc cao huyết áp, các bệnh lý mạch máu khác,  thoái hoá hoàng điểm tuổi già, u hắc võng mạc...

 

3.2. Chẩn đoán phân biệt

Cần chẩn đoán phân biệt với các trường hợp vẩn đục dịch kính do

  • Viêm màng bồ đào sau
  • Viêm mủ nội nhãn đặc biệt trong trường hợp có kèm hoại tử võng mạc
  • Tăng sinh dịch kính võng mạc nặng

 

4. Điều trị:

4.1. Nguyên tắc điều trị:

Cần điều trị phối hợp triệu chứng và nguyên nhân gây xuất huyết dịch kính. Trong đa số các trường hợp cần tiến hành điều trị nội khoa trước và can thiệp phẫu thuật khi điều trị nội khoa không đạt kết quả

4.2. Phác đồ điều trị:

Điều trị nội khoa kết hợp điều trị nguyên nhân (nếu xác định được) trong 4-6 tuần. Điều trị ngoại khoa khi điều trị nội không hiệu quả

Đối với xuất huyết dịch kính có bong võng mạc thì can thiệp phẫu thuật sớm nhất có thể

4.3. Điều trị cụ thể

- Điều trị nội khoa: có thể dùng thuốc cầm máu, thuốc tiêu máu hyasa tiêm cạnh nhãn cầu, tam thất uống.

- Điều trị các bệnh lý toàn thân là nguyên nhân gây xuất huyết dịch kính như tiểu đường, cao huyết áp, bệnh lý huyết học...

- Điều trị ngoại khoa: đa số các trường hợp, máu dịch kính có thể tự tiêu. Nếu sau 1 tháng, máu dịch kính không tiêu và tổ chức hoá, điều trị bằng cắt dịch kính qua pars plana. Khi xuất huyết dịch kính có bong võng mạc, cần cắt dịch kính sớm. Xuất huyết dịch kính do u nội nhãn, do bệnh máu có chỉ định điều trị riêng. Đối với một số trường hợp xuất huyết dịch kính nặng không chẩn đoán được nguyên nhân trước mổ thì trong quá trình phẫu thuật cắt dịch kính sẽ điều trị phối hợp như laser vết rách võng mạc, laser vùng võng mạc bị thiếu máu để tránh các biến chứng, laser khôi u võng mạc nếu còn nhỏ, tiêm nội nhãn các thuốc điều trị nguyên nhân.

5. Tiên lượng và biến chứng

5.1. Tiên lượng

Tiên lượng về chức năng thị giác trong xuất huyết dịch kính hoàn toàn phụ thuộc vào nguyên nhân tổn thương hắc võng mạc gây ra xuất huyết. Đối với những trường hợp cần điều trị cắt dịch kính thì tiên lượng dè dặt vì phẫu thuật cắt dịch kính là phẫu thuật rất phức tạp đòi hỏi cao về trang thiết bị, máy móc và dụng cụ cũng như trình độ và kinh nghiệm của phẫu thuật viên.

5.2. Biến chứng

- Tăng sinh dịch kính võng mạc

- Bong võng mạc

- Glô-côm do tế bào ma, do tân mạch

- Đục thể thuỷ tinh

- Tổn thương thị thần kinh do nhiễm sắt

- Mất chứng năng teo nhãn cầu

  1. Phòng bệnh

- Phát hiện và điều trị sớm và đúng các nguyên nhân gây xuất huyết do bệnh lý toàn thân như kiểm soát tốt tiểu đường, cao huyết áp, các bệnh lý tim mạch...

- Phòng tránh các chấn thương mắt bằng cách đeo kính bảo hộ lao động khi làm việc

- Nâng cao năng lực và chất lượng cho cán bộ và màng lưới chăm sóc mắt ban đầu trên toàn quốc để khám, phát hiện sớm và chuyển đúng đến trung tâm nhãn khoa để điều trị sớm và tích cực

- Phối kết hợp cùng các cơ quan thông tin tuyên truyền để phổ biên kiến thức về bệnh, cách phòng tránh, phát hiện cũng như các cơ sở nhãn khao điều trị tố bệnh