TÌM HIỂU BỆNH LÝ TẮC TĨNH MẠCH VÕNG MẠC

TÌM HIỂU BỆNH LÝ TẮC TĨNH MẠCH VÕNG MẠC

Võng mạc là lớp mô thần kinh mỏng lót ở phía trong của mắt được ví như tấm phim trong máy ảnh. Đó là vì nó có chức năng tiếp nhận ảnh và dẫn truyền về não bộ thông qua dây thần kinh thị giác.

1. Tĩnh mạch võng mạc là gì? 

Tĩnh mạch là các mạch máu có nhiệm vụ vận chuyển máu từ các cơ quan trong cơ thể trở về tim. Các tĩnh mạch võng mạc nhỏ chạy dọc theo lớp trong của võng mạc để dẫn máu vào tĩnh mạch trung tâm võng mạc. Tĩnh mạch trung tâm võng mạc chạy dọc trong dây thần kinh thị giác để đưa máu từ võng mạc đổ vào tuần hoàn chung và trở về tim.

2. Tắc tĩnh mạch võng mạc là gì? 

Tắc tĩnh mạch võng mạc (TTMVM) là tình trạng tắc của tĩnh mạch trung tâm võng mạc hoặc các nhánh tĩnh mạch võng mạc, làm ngăn cản sự lưu thông mạch máu trong khu vực bị ảnh hưởng. 

Thành tĩnh mạch có thể rò rỉ máu và nhiều dịch vào võng mạc gây ra tình trạng xuất huyết võng mạc và phù hoàng điểm. Hoàng điểm là một phần của võng mạc, có nhiệm vụ cung cấp hình ảnh sắc nét và chi tiết ở vùng thị giác trung tâm. 

3. Các dạng tắc tĩnh mạch võng mạc

 TTMVM được phân loại dựa vào vị trí tĩnh mạch nào bị tắc. Có 2 loại chính: 

- Tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc: loại này xảy ra khi tắc tại tĩnh mạch chính ở phía sau của mắt. 

- Tắc nhánh tĩnh mạch võng mạc: loại này xảy ra khi tắc tại các tĩnh mạch nhỏ nằm ở phần trong của mắt. Loại này phổ biến hơn tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc. 

4. Những ai có nguy cơ bị bệnh tắc tĩnh mạch võng mạc?

- Bệnh thường xảy ra ở độ tuổi trung niên và người >50 tuổi.
- Tỷ lệ mắc bệnh ở nam và nữ là như nhau.
- Rất ít bệnh nhân bị TTMVM ở cả 2 mắt. 

Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm: 

- Tăng huyết áp
- Đái tháo đường
- Cholesterol máu cao
- Xơ cứng động mạch
- Glôcôm
- Hút thuốc lá
- Béo phì

5. Tại sao tắc tĩnh mạch võng mạch ảnh hưởng đến thị lực?

  • Phù hoàng điểm là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng giảm thị giác ở bệnh nhân TTMVM. 
  • Các nguyên nhân khác gây giảm thị lực bao gồm xuất huyết võng mạc và thiếu máu hoàng điểm. 

6. Dấu hiệu của tắc tĩnh mạch võng mạc

TTMVM có thể xảy ra đột ngột mà không có bất kỳ dấu hiệu báo trước nào. Đó là lý do mà khám mắt định kỳ là rất quan trọng. 

Một số triệu chứng của TTMVM: 

- Thị lực có thể bị mờ hoặc biến dạng hình ảnh. 

- Giảm thị lực từ nhẹ đến nặng

Giảm thị lực có thể ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các công việc hàng ngày như đọc sách, xem truyền hình, và lái xe. Điều này có thể tác động đáng kể đến cuộc sống của bạn. 

7. Hậu quả của tắc tĩnh mạch võng mạc là gì? 

- TTMVM có thể dẫn đến sự phát triển các mạch máu mới và bất thường ở phần trước của mắt, gây nên bệnh glôcôm tân mạch (tăng nhãn áp bên trong nhãn cầu).

- TTMVM là nguyên nhân gây mù phổ biến thứ hai trong các bệnh lý mạch máu võng mạc. 

- Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng 15% bệnh nhân TTMVM có thể tái phát ở mắt bị ảnh hưởng hoặc ở mắt khác trong 5 năm nếu không điều trị. 

- Điều trị giúp bệnh nhân TTMVM lấy lại thị lực. Điều trị các biến chứng như phù hoàng điểm, tăng nhãn áp, và các yếu tố nguy cơ tim mạch là rất quan trọng. 

8. Tắc tĩnh mạch võng mạc được phát hiện như thế nào? 

Việc phát hiện và chẩn đoán TTMVM đòi hỏi cần phải khám mắt một cách cẩn thận và kỹ lưỡng bởi đội ngũ bác sỹ chuyên sâu về dịch kính võng mạc, bao gồm: 

- Đo thị lực. 
- Đo áp lực nội nhãn. 
- Khám đáy mắt với đồng tử giãn trên hệ thống máy sinh hiển vi điện tử, bác sỹ nhãn khoa có thể phát hiện các tổn thương ở võng mạc, dịch kính và thị thần kinh.
Chụp cắt lớp võng mạc bằng hệ thống máy OCT cho hình ảnh võng mạc với độ phân giải cao; dùng để phát hiện, lượng giá được mức độ phù hoàng điểm cũng như theo dõi tiến triển, đáp ứng điều trị của bệnh nhân. Đây là phương pháp chẩn đoán phù hoàng điểm và theo dõi đáp ứng điều trị của bệnh rất chính xác mà không gây ra bất cứ tác dụng phụ nào.  
- Chụp mạch ký huỳnh quang
- Trong phương pháp này, bệnh nhân sẽ được tiêm một loại thuốc có màu đặc biệt vào cánh tay và kỹ thuật viên sẽ chụp ảnh võng mạc khi thuốc vào đến hệ tuần hoàn của võng mạc. 
- Kỹ thuật này cho phép bác sĩ nhãn khoa đánh giá tình trạng tuần hoàn của võng mạc, tình trạng rò mạch, mức độ tắc mạch, vị trí tắc mạch, tình trạng phù hoàng điểm, từ đó đưa ra phương pháp điều trị thích hợp. 
- Tuy nhiên đây là phương pháp can thiệp có xâm lấn (cần phải tiêm thuốc), một số bệnh nhân có thể dị ứng với thuốc tiêm vào cơ thể nên không thể tiến hành thường quy như chụp OCT được. 

9. Bệnh tắc tĩnh mạch võng mạc có thể điều trị được không? 

Bệnh nhân bị TTMVM có thể phục hồi thị lực mà không cần điều trị nhưng rất khó để đạt được thị lực bình thường như ban đầu. Các nghiên cứu đã chứng minh điều trị TTMVM giúp phục hồi thị lực nhanh hơn và hiệu quả hơn so với việc không điều trị. 

- Điều trị nội khoa: với mục đích (1) phục hồi tuần hoàn trong các nhánh bị tắc, (2) giảm rối loạn tính thấm và huyết động, (3) Chống xuất huyết, giảm phù nề và điều trị nguyên nhân. 

- Điều trị bằng laser võng mạc: mục đích để (1) điều trị phù hoàng điểm, (2) phòng biến chứng xuất hiện tân mạch võng mạc và glôcôm tân mạch. 

Laser với độ chính xác cao được dùng để vi đốt (kích thước vết đốt rất nhỏ) các vùng võng mạc rò dịch xung quanh hoàng điểm, từ đó giảm phù hoàng điểm -> cải thiện thị lực. Tuy nhiên laser có thể gây tổn thương võng mạc vĩnh viễn do có tính chất phá huỷ. 

  • Điều trị bằng tiêm thuốc vào buồng dịch kính
    - Thuốc được tiêm trực tiếp vào trong mắt
    - Thuốc ức chế sự rò dịch và sự phát triển mạch máu bất thường nhằm ngăn chặn tình trạng mất thị lực. 
    - Các thuốc được chỉ định điều trị: Corticosteroid, Anti-VEGF

10. Làm thế nào để ngăn ngừa tắc tĩnh mạch võng mạc.

- Ăn uống thức ăn ít chất béo: Chế độ ăn giàu chất béo và cholesterol có thể làm tăng các mảng xơ vữa dẫn đến tăng nguy cơ tắc nghẽn dòng chảy của mạch máu, tăng nguy cơ TTMVM. Một chế độ ăn ít chất béo sẽ giúp bạn giảm nguy cơ tắc tĩnh mạch võng mạc. 
- Tập luyện đều đặn: Hoạt động thể chất thường xuyên giúp làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch và TTMVM cũng như duy trì được cân nặng lý tưởng. 
- Bỏ hút thuốc lá
- Khám mắt định kỳ: Một số người bị TTMVM nhưng không có triệu chứng, nên việc khám mắt định kỳ là vô cùng quan trọng đặc biệt với những người có yếu tố nguy cơ. 
- Quản lý các bệnh lý khác: Bạn cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc kiểm soát các bệnh lý khác như tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, xơ vữa động mạch. 

 

Tìm hiểu thêm: Bệnh lý bong võng mạc