PHÙ HOÀNG ĐIỂM DO ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

PHÙ HOÀNG ĐIỂM DO ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Như tên gọi, PHĐ DĐTĐ là bệnh lý có liên quan đến đái tháo đường. Một số  bệnh nhân đái tháo đường sẽ mắc phải bệnh lý võng mạc -  một dạng rối loạn võng mạc ở trong mắt. Bệnh lý võng mạc đái tháo đường có thể tiến triển, dẫn đến phù hoàng điểm và ảnh hường đến thị lực. Nó là một trong những nguyên nhân gây mù phổ biến nhất.

Như những người khác có lẽ bạn chưa biết nhiều đến Phù Hoàng Điểm Do Đái Tháo Đường. Thậm chí ngay cả nếu đã bị PHĐ DĐTĐ rồi thì có thể bạn chưa hiểu đầy đủ những gì xảy ra trong mắt của mình.

Cuốn sổ tay này được biên soạn nhằm giúp những ai đang có nguy cơ hoặc vừa được chẩn đoán mắc bệnh PHĐ DĐTĐ tìm hiểu về căn  bệnh này. Nội dung cuốn sổ tay bao gồm 4 phần:

1- Tổng quan về bệnh PHĐ DĐTĐ.

Phần này cung cấp những thông tin tổng quát về PHĐ DĐTĐ mà mọi người nên biết đến

2- Các yếu tố nguy cơ. Phần này dành cho các bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường vì đái tháo đường là nguy cơ dẫn đến sự phát triển của bệnh PHĐ DĐTĐ

3- Chẩn đoán, điều trị, diễn tiến PHĐ DĐTĐ.

Những diễn giản ngắn gon bao gồm các triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị bệnh.

4- Sống chung với tình trạng mất thị lực do PHĐ DĐTĐ. Những thông tin thực tiễn và lời khuyên dành cho những ai đã bị mất thị lực do bệnh này.

>> Phù Hoàng Điểm Do Đái Tháo Đường là một dạng rối loạn thường gặp của võng mạc và là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng mù lòa trên nhóm người trong độ tuổi lao động

Như tên gọi, PHĐ DĐTĐ là bệnh lý có liên quan đến đái tháo đường. Một số  bệnh nhân đái tháo đường sẽ mắc phải bệnh lý võng mạc -  một dạng rối loạn võng mạc ở trong mắt. Bệnh lý võng mạc đái tháo đường có thể tiến triển, dẫn đến phù hoàng điểm và ảnh hường đến thị lực. Nó là một trong những nguyên nhân gây mù phổ biến nhất.

Mặc dù PHĐ DĐTĐ không thể chữa khỏi nhưng các phương pháp điều trị hiện tại có thể giúp cải thiện thị lực và làm chậm tiến trình mất thị lực ở người bệnh. Bạn có rất nhiều cách để tự chăm sóc sức khỏe bản thân và kiểm soát bệnh đái tháo đường của mình, từ đó, góp phần vào việc bảo vệ sức khỏe đôi mắt.

Tri thức là sức mạnh. Hãnh dành chút thời gian để tìm hiểu về bệnh lý này. Sẽ hữu ích cho bạn về lâu dài sau này.

Tổng  quan về bệnh Phù Hoàng Điểm Do Đái Tháo Đường (PHĐ DĐTĐ)

Một số bệnh nhân đái tháo đường sẽ gặp phải một dạng rối loạn bệnh lý của võng mạc mắt gọi là bệnh võng mạc đái tháo đường. Bệnh võng mạc đái tháo đường có thể tiến triển và dẫn đến phù hoàng điểm, hay còn gọi là phù võng mạc. PHĐ DĐTĐ xảy ra khi chất dịch rò rỉ vào vùng trung tâm của võng mạc tại phần sau của mắt (gọi là hoàng điểm) gây nên tình trạng phù. Tình trạng này khiến bạn nhìn mờ, ảnh hường đến khả năng đọc sách và xem hình ảnh một cách chi tiết rõ ràng.

PHĐ DĐTĐ thường xảy ra ở cả 2 mắt với tần suất khoảng 71% nhưng không phải lúc nào cũng luôn ảnh hưởng đến thị lực. Nếu bạn đã gặp tình trạng này ở một mắt thì hãy đi khám ngay để các bác sĩ xác định các yếu tố nguy cơ nhằm giảm thiếu khả năng mắt còn lại cũng bị PHĐ DĐTĐ.

Các yếu tố nguy cơ của bệnh Phù Hoàng Điểm Do Đái Tháo Đường (PHĐ DĐTĐ)

Có một số các yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển hoặc làm cho PHĐ DĐTĐ trở nên nặng hơn. Các yếu tố này có thể nằm trong hoặc ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Sau đây là một số các yếu tố được biết đến như là nguy cơ của PHĐ DĐTĐ:

Các yếu tố nguy cơ đi kèm với bệnh đái tháo đường:

  • Tất cả bệnh nhân đái tháo đường – cả típ 1 và típ 2 – đều có nguy cơ phát triển bệnh PHĐ DĐTĐ. Xác suất mắc bệnh PHĐ DĐTĐ có liên quan đến thời gian mắc bệnh đái tháo đường cũng như mức đường huyết mà bạn kiểm soát được.

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh đái tháo đường típ 2:

  • Mức cholesterol trong máu cao
  • Thừa cân hoặc béo phì
  • Vận động thể lực không đầy đủ
  • Hút thuốc lá 

Các nghiên cứu cũng cho thấy chủng tộc và giới tính không ảnh hường đến sự phát triển của PHĐ DĐTĐ.

Rõ ràng là bạn không thể thay đổi mọi yếu tố nguy cơ, nhưng bất cứ ở đâu nếu có thể, hãy xem xét đến việc điều chỉnh lối sống để giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường típ 2. Còn nếu chẳng may đã mắc bệnh đái tháo đường, hãy chắc rằng đường huyết phải được kiểm soát, cũng như đôi mắt của bạn phải đường kiểm tra định kỳ bởi các bác sĩ nhãn khoa.

>> Mất thị lực do PHĐ DĐTĐ có thể làm các hoạt động như đọc sách lái xe trở nên khó khăn. Điều này trở thành gánh nặng và ảnh hưởng đến chất lượng sống

Các triệu chứng của bệnh Phù Hoàng Điểm Do Đái Tháo Đường (PHĐ DĐTĐ)

  • Nhìn mờ
  • Mất sự nhạy cảm về độ tương phản

Với PHĐ DĐTĐ, ban đầu có thể các bạn sẽ không để ý đến những thay đổi về thị lực.Tuy nhiên theo thời gian, thị lực của bạn sẽ giảm dần rồi dẫn đến mất thị lực. Đó chính là lý do tại sao mà vấn đề khám mắt định kỳ vô cùng quan trọng.

Chẩn đoán Phù Hoàng Điểm Do Đái Tháo Đường (PHĐ DĐTĐ)

Nếu đã được chẩn đoán bị đái tháo đường, cần khám mắt định kỳ mỗi năm để có thể phát hiện ra các dấu hiệu của bệnh lý võng mạc. Nếu sau khi khám mắt định kỳ mà phát hiện mắt bạn bị nghi ngờ PHĐ DĐTĐ, bạn sẽ được chuyển đến một bác sĩ chuyên khoa đáy mắt. Tại đây, mắt bạn sẽ được kiểm tra một cách toàn diện thông qua các phương tiện sau:

Kiểm tra thị lực: Đây là phương pháp sử dụng Bảng đo thị lực để đánh giá mắt bạn nhìn rõ như thế nào tại các khoảng cách khác nhau

Nghiệm pháp khám mắt với đồng tử được làm giãn. Thuốc nhỏ mắt sẽ được dùng để làm đồng tử giãn ra giúp bác sĩ nhãn khoa có thể quan sát những gì bên trong mắt. Một loại kính phóng đại đặc biệt sẽ giúp bác sĩ quan sát các vấn đề hoặc các dấu hiệu tổn thương của võng mạc và thần kinh thị.

Đo nhãn áp. Một thiết bị được sử dụng để đo áp lực nội nhãn. Thuốc nhỏ mắt có thể được dùng để gây tê mắt trước khi tiến hành đo.

Chụp cắt lớp võng mạc kết quang (OCT). Kỹ thuật này sử dụng một camera đặc biệt để chụp hình ảnh võng mạc. Quá trình này giúp cho các bác sĩ chẩn đoán, điều trị và theo dõi các bệnh lý võng mạc.

Chụp mạch máu võng mạc huỳnh quang. Với phương pháp này, một loại thuốc nhuộm đặc biệt sẽ được tiêm vào cánh tay và theo máu đến tập trung tại võng mạc. Thông qua đó, giúp các bác sĩ xác định tình trạng các mạch máu bị rò.

Chụp hình màu đáy mắt. Test này sử dụng một kính hiển vi đặc biệt gắn vào camera để phát hiện tổn thương bề mặt bên trong nhãn cầu, bao gồm võng mạc.

>>Chẩn đoán PHĐ DĐTĐ được thực hiện thông qua việc kiểm tra mắt toàn diện. Hãy bảo đảm răng mắt bạn được kiểm ta thường xuyên.

Điều trị Phù Hoàng Điểm Do Đái Tháo Đường (PHĐ DĐTĐ)

PHĐ DĐTĐ được điều trị bằng thuốc kháng yếu tố phát triển nội mạc mạch máu (kháng VEGF) hoặc laser quang đông. Một số trường hợp, bác sĩ nhãn khoa có thể phối hợp nhiều phương pháp. Chính bạn và bác sĩ  sẽ cùng nhau xác định phương pháp điều trị nào sẽ là tốt nhất.

Thuốc kháng yếu tố kích thích tăng sinh mạch máu (kháng VEGF). Thuốc này được chế tạo chuyên biệt dùng cho mắt. VEGF được xem là yếu tố khởi phát cho hiện tượng rò rỉ bất thường của mạch máu vào cùng hoàng điểm dẫn đến tình trạng phù. Thuốc kháng VEGF được tiêm vào trong mắt để ngăn chặn điều này xảy ra.

Ranibizumab thuộc nhóm thuốc kháng yếu tố kích thích tăng sinh mạch máu (kháng VEGF) và đã được phê chuẩn bởi Hiệp Hội Quản Lý Thực Phẩm- Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) và cơ quan Quản lý Dược Phẩm Châu Âu (EMA) để điều trị PHĐ DĐTĐ

 

Laser quang đông. Với kỹ thuật này, bác sĩ sẽ dùng tia laser để bắn vào đốt tại vùng có mạch máu bị rò dịch vốn ảnh hưởng đến phần thị lực trung tâm. Laser sẽ làm chậm tình trạng rò dịch và giảm số lượng dịch ở trong võng mạc.

Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ nhãn khoa để có phác đồ điều trị phù hợp nhất cho bạn.

Các Phương pháp trên không thể chữa khỏi PHĐ DĐTĐ. Vì PHD DĐTĐ là một bệnh lý mạn tính nên việc theo dõi là hết sức cần thiết. Việc khám mắt thường xuyên, kiểm soát đường huyết và thay đổi lối sống là hết sức quan trọng để làm giảm nguy cơ mất thị lực.

>> Điều trị PHĐ DĐTĐ cần có sự hợp tác giữa bạn và các bác sĩ

Diễn tiến Phù Hoàng Điểm Do Đái Tháo Đường (PHĐ DĐTĐ)

Bệnh diễn tiến nhanh như thế nào?

Diễn tiến của PHĐ DĐTĐ là một quá trình dần dần, từng bước một với sự suy giảm thị lực mà bạn có thể không để ý cho đến lúc hoàng điểm bị ảnh hưởng. Bệnh có thể không có triệu chứng ở giai đoạn sớm nhưng ở giai đoạn muộn hơn, bạn có thể có biểu hiện nhìn mờ hoặc không nhìn thấy một vùng nào đó ở trước mặt.

Liệu mắt còn lại có bị PHĐ DĐTĐ không?

PHĐ DĐTĐ thường ảnh hưởng cả 2 mắt. Nếu một mắt đã bị ảnh hưởng, hãy đi khám ngay để các bác sĩ xác định các yếu tố nguy cơ nhằm giảm thiểu nguy cơ mắt còn lại cùng bị PHĐ DĐTĐ.

Liệu có bị mất hết thị lực  hay không?

PHĐ DĐTD nếu không điều trị có thể trở nên nặng hơn và dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn, bắt đầu từ việc thị lực giảm nhanh dẫn đến giảm thị lực nặng hoặc mù. Tầm soát và điều trị sớm sẽ giúp làm chậm quá trình mất thị lực.

Hãy gìn giữ thị lực của mình

Thị lực là tài sản vô cùng quý giá. Hãy làm bất cứ thứ gì trong khả năng và kiểm soát của bạn để giữ gìn nó. Có một số điều mà bạn nên làm.

Chủ động kiểm tra thị lực:

  • Đi khám bác sĩ nhãn hoa hoặc chuyên gia về PHĐ DĐTĐ định kỳ - đừng bỏ lỡ lịch hẹn khám.
  • Nếu bạn cảm thấy thị lực có sự thay đổi, hãy liên hệ ngay với bác sĩ nhãn khoa
  • Chủ động trong việc phục hồi chức năng thị lực và sử dụng các dụng cụ hỗ trợ thị lực như kính phóng đại sẽ có ích cho bạn

Kiểm soát bệnh đái tháo đường:

  • Uống thuốc đái tháo đường theo đúng chỉ định bác sĩ
  • Kiểm tra đường huyết thường xuyên. Giữ đường huyết ở mức kiểm soát là cách quan trọng nhất để quản lý bệnh đái tháo đường.
  • Kiểm soát huyết áp
  • Duy trì cân nặng và chế độ dinh dưỡng hợp lý. Bác sĩ sẽ khuyên bạn nên ăn và không nên ăn những gì, cũng như khi nào nên ăn.
  • Nếu đang hút thuốc lá, hãy trao đổi với bác sĩ của bạn về kế hoạch cai thuốc và bỏ hút thuốc càng sớm càng tốt
  • Tập luyện thể dục thể thao để tránh cao huyết áp và tăng cholesterol

Bạn chính là người giữ vai trò quan trọng trong vấn đề kiểm soát đái tháo đường, cần phát hiện sớm triệu chứng và bắt đầu điều trị càng sớm càng tốt.

Sống chung với Phù Hoàng Điểm Do Đái Tháo Đường (PHĐ DĐTĐ)

Việc chẩn đoán PHĐ DĐTĐ không đồng nghĩa với việc cuộc sống của bạn sẽ trở nên tăm tối mù lòa. Tuy nhiên, căn bệnh này có thể ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống. Mất thị lực vùng trung tâm có thể trở thành gánh nặng cho bạn, khiến những việc thường ngày như đọc sách báo, lái xe, xem tivi trở thành khó khăn. Nhưng bạn vẫn có thể tự thực hiện được những hoạt động này với sự trợ giúp của các dụng cụ hỗ trợ thị lực và phục hồi chức năng.

Một trong những điều khó khăn nhất để vượt qua là cảm xúc do thị lực bị mất đi. Ban đầu khi được chẩn đoán, nhiều người đã trải qua hàng loạt các xúc cảm khác nhau từ sốc, không tin, phủ nhận, phẫn uất, giận dữ, buồn bã và cảm giác mất mát. Hầu hết bệnh nhân đều đã trải qua một giai đoạn trầm cảm dẫn đến nhiều hệ lụy hơn là chi đối đầu với vấn đề mất thị lực. Hãy yêu cầu giúp đỡ khi cần. Những người thân yêu của bạn như bạn bè, gia đình và cả những người cùng mắc bệnh sẽ sẵn sàng giúp đỡ bạn.

Điểm mấu chốt là hãy bước tiếp và học cách sống chung với bệnh. Người nào học được cách thích nghi thì sẽ có thể tiếp tục làm được những công việc mình yêu thích. Ví dụ, nếu đọc sách là niềm đam mê của bạn, hãy sử dụng kính lúp hoặc sách-nói để có thể tiếp tục và cảm thấy tự tin.