BONG VÕNG MẠC - NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA P1

BONG VÕNG MẠC - NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA P1

Bong võng mạc là tình trạng lớp mô võng mạc bị bong ra khỏi vị trí bình thường. Khi đó quá trình nhìn sẽ bị cắt đứt và bệnh nhân sẽ bị nhìn mờ một phần hay toàn bộ tuỳ thuộc vào mức độ bong vong mạc. Đây là một bệnh nặng trong Nhãn khoa, có tính chất cấp cứu, nếu không được điều trị kịp thời bệnh nhân có thể mất thị lực vĩnh viễn.

1. Bong võng mạc là gì?

Định nghĩa:

 Võng mạc là lớp mô thần kinh mỏng lót ở phía trong của mắt được ví như tấm phim trong máy ảnh. Đó là vì nó có chức năng tiếp nhận ảnh và dẫn truyền về não bộ thông qua dây thần kinh thị giác.

 Khi võng mạc bị bong ra khỏi vị trí bình thường của nó ở thành nhãn cầu gây ra bong võng mạc khiến quá trình nhìn sẽ bị cắt đứt. Bạn sẽ bị nhìn mờ một phần hay toàn bộ phụ thuộc vào mức độ và vị trí bong võng mạc.

 



Bong võng mạc được chia làm 2 loại: 

+ Bong võng mạc nguyên phát hay còn gọi là bong võng mạc có rách, phương pháp điều trị duy nhất là phẫu thuật càng sớm càng tốt. 

+ Bong võng mạc thứ phát: nguyên nhân chủ yếu là do viêm (viêm màng bồ đào) hoặc do co kéo (hay gặp ở bệnh nhân bị bệnh võng mạc do đái tháo đường), tuỳ theo nguyên nhân mà có chỉ định điều trị phù hợp.

 

2. Những ai có nguy cơ bị bệnh bong võng mạc?

Các yếu tố nguy cơ của bệnh: 

+ Cận thị nặng có thoái hoá võng mạc chu biên (>-6.00D)

+ Đã từng bị bong võng mạc một bên mắt

+ Đã từng phẫu thuật mắt trước đó (ví dụ như mổ thay thể thuỷ tinh)

+ Có bệnh hoặc rối loạn về mắt như tách lớp võng mạc, viêm màng bồ đào, thoái hoá võng mạc chu biên)

+ Sau chấn thương đụng dập, hoặc vết thương xuyên nhãn cầu. 

3. Triệu chứng của bong võng mạc nguyên phát

  • Trước khi xuất hiện bong võng mạc, bệnh nhân có thể thấy hiện tượng ruồi bay, mạng nhện hay chớp sáng. 
  • Khi đã có hiện tượng bong võng mạc, bệnh nhân sẽ giảm thị lực dần, mất thị trường một phần hoặc toàn bộ tuỳ theo mức độ và vị trí bong võng mạc. 
  • Bệnh nhân hoàn toàn không có dấu hiệu đau nhức hay đỏ mắt. 
  • Một số trường hợp bệnh xuất hiện đột ngột, bệnh nhân bị mất thị lực nhanh có thể do rách võng mạc làm tổn thương mạch máu võng mạc gây ra chảy máu vào buồng dịch kính. 
  • Soi đáy mắt (cần được thực hiện bởi các bác sỹ chuyên khoa): phát hiện bong và vị trí rách võng mạc. 
  • Siêu âm nhãn cầu: giúp khảo sát được hình ảnh của võng mạc và các cấu trúc nội nhãn khác, đặc biệt trong các trường hợp có xuất huyết dịch kính. 

Cách phát hiện sớm bong võng mạc: 

+ Khám bác sỹ chuyên khoa mắt ngay khi thấy có các triệu chứng ruồi bay, hoặc có chớp sáng, hoặc có 1 vùng tối trong tầm nhìn. 

+ Khám mắt hàng năm, đặc biệt nếu bạn có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh bong võng mạc. 

+ Bệnh nhân cận thị nên khám mắt định kỳ 6 tháng/lần.

+ Khi một mắt đã bị bong võng mạc thì cần kiểm tra mắt còn lại để phát hiện sớm những tổn thương nguy cơ rách võng mạc để Laser điều trị dự phòng.  

+ Đeo kính bảo hộ khi chơi các môn thể thao và công việc có nguy cơ gây chấn thương mắt. 

 

(Còn tiếp)

Xem thêm: BONG VÕNG MẠC - NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA P2