RỐI LOẠN CHỨC NĂNG TUYẾN MEIBOMIUS

RỐI LOẠN CHỨC NĂNG TUYẾN MEIBOMIUS

Rối loạn chức năng tuyến Meibomius ()MGD)  là bệnh lý rất thường gặp, chiếm 86% các nguyên nhân gây khô mắt. Bệnh đặc biệt hay gặp trên người châu Á với nguy cơ cao gấp 3 lần người châu Âu.

 

 1. Thế nào là rối loạn chức năng tuyến Meibomius

Bạn có khoảng 20-25 tuyến Meibomius ở sụn mi trên và 40-50 tuyến Meibomius ở sụn mi dưới. Đây là các tuyến tiết ra lớp mỡ của màng phim nước mắt . Lớp mỡ này được tiết ra mỗi khi bạn chớp mắt và được dàn đều trên bề mặt mắt. Vai trò của nó là ổn định phim nước mắt, giảm tình trạng bốc hơi của nước mắt từ đó giữ cho bề mặt nhãn cầu luôn được nước mắt nuôi dưỡng.

Rối loạn chức năng tuyến Meibomius (MGD) được định nghĩa là các bất thường mãn tính, tỏa lan của các tuyến Meibomius, thường được đặc trưng bởi tình trạng tắc nghẽn các ống tuyến và/hoặc thay đổi về số lượng/chất lượng trong hoạt động tiết của tuyến. Từ đó làm thay đổi phim nước mắt, tăng triệu chứng kích thích mắt và các bệnh lý bề mặt nhãn cầu.

 2. Đối tượng có nguy cơ cao mắc MGD

Chủng tộc: người châu Á có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 3 lần người châu âu.

Đối tượng có các bệnh lý tại mắt như viêm bờ mi trước, khô mắt.

Đối tượng có các yếu tố toàn thân: suy giảm androgen, phụ nữ mãn kinh, tuổi cao, hội chứng Sjogren, vảy nến, mụn trứng cá đỏ, phì đại tuyến tiền liệt…

Các thuốc làm tăng nguy cơ bệnh: thuốc kháng androgen, thuốc điều trị phì đại tuyến tiền liệt, thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng Histamine.

 3. Triệu chứng của MGD

Giai đoạn sớm thường không có triệu chứng.

Giai đoạn bệnh tiến triển

 - Bỏng rát; Ngứa mắt, đỏ mắt ,chảy nước mắt
 - Dính mi mắt, cảm giác cứng bờ mi
 - Nhìn mờ từng lúc.
 - Lẹo mi mắt tái phát nhiều lần

Các triệu chứng có thể nặng lên khi bạn nhìn màn hình lâu hoặc trong môi trường không khí khô.

 

 4. Phương pháp giúp chẩn đoán MGD

Trước khi bắt tay vào điều trị, bác sỹ cần hỏi bệnh và thăm khám đầy đủ để đảm bảo rằng các khó chịu tại mắt bạn là do MGD gây ra. Một số nghiệm pháp bác sỹ sử dụng để chẩn đoán bệnh:

Đánh giá chức năng tuyến Meibomius: bằng cách quan sát và kiểm tra hoạt động của tuyến Meibomius trên máy sinh hiển vi. Phương pháp này cũng giúp phân độ MD và đánh giá hiệu quả điều trị bệnh.

Đánh giá ảnh hưởng của MGD lên bề mặt nhãn cầu thông qua phương pháp đo thời gian phá vỡ của phim nước mắt. Thời gian này sẽ ngắn đi nếu lớp mỡ của phim nước mắt không nguyên vẹn.

Các phương pháp hỗ trợ: đo số lần chớp mắt, đo chiều cao vòng khum nước mắt, kiểm tra bề mặt nhãn cầu với thuốc nhuộm Fluorescein, đo lượng nước mắt bằng test schirmer.

Các nghiệm pháp này thường được thực hiện nhanh chóng và không gây đau cho bệnh nhân.

 5. Các lựa chon điều trị cho MGD

Chăm sóc mi mắt

  • Vệ sinh bờ mi tốt nhất nên thực hiện với miếng lau chuyên dụng cho mi mắt
  • Chườm ấm bờ mi 5 phút/lần, 2 lần/ngày . Đây là phương pháp sử dụng nhiệt tác dụng tại chỗ lên các tuyến bờ mi, nhằm làm loãng các chất tiết đang ứ đọng trong tuyến, từ đó các chất này dễ dàng được đào thải khi massage mi mắt.
  • Massage bờ mi để giải phóng các chất tiết trong tuyến ra ngoài qua lỗ tuyến nằm trên bờ mi. Với bờ mi trên, mắt bạn nhìn xuống dưới và nhẹ nhàng lăn nhẹ ngón tay trỏ từ phần trên của mi mắt đến hàng chân lông mi. Đối với mi dưới, mắt nhìn lên trên, và nhẹ nhàng lăn ngón tay về phía hàng chân lông mi.

Tuy nhiên khi bệnh đã ở giai đoạn tiến triển, các phương pháp chăm sóc bờ mi tại nhà thường không đem lại hiệu quả cao. Khi đó mi mắt bạn sẽ cần được chăm sóc bởi các bác sỹ và kỹ thuật viên chuyên khoa tại cơ sở chăm sóc mắt. Tại đây bác sỹ có thể sử dụng dụng cụ chuyên dụng nhằm nong rộng các lỗ tuyến kết hợp với chườm ấm để giúp các tuyến Meibomius được làm sạch và thong thoáng.

Điều trị hỗ trợ

  • Kháng sinh Tetracycline và dẫn xuất của nó (Doxycycline, Azithromycin) )vừa có tác dụng diệt khuẩn, vừa có tác dụng chống viêm với tuyến Meibomius.
  • Thuốc nhỏ mắt Cyclosporine giúp kiểm soát đáp ứng miễn dịch của bạn
  • Thuốc nhỏ mắt Steroid giúp giảm phản ứng viêm. Thuốc cần được kê theo chỉ định của bác sỹ do có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn tại mắt.
  • Bổ sung axit béo Omega 3 giúp cải thiện chức năng của tuyến Meibomius.

 6. MGD có nguy hiểm không?

Nếu không được điều trị, MGD có thể gây nên các biến chứng trên mắt, như:

  • Hội chứng khô mắt
  • Viêm kết mạc, viêm loét giác mạc, sẹo tân mạch giác mạc
  • Chắp lẹo mi mắt tái phát
  • Viêm sẹo và biến dạng bờ mi
  • Với bệnh nhân có phẫu thuật tại mắt, rối loạn chức năng tuyến Meibomius có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và viêm sau phẫu thuật.

Vì vậy, khi gặp phải các triệu chứng tại mắt như trên, bạn cần đi khám bác sỹ chuyên khoa mắt để được chẩn đoán và điều trị đúng cách, tránh những biến chứng không mong muốn có thể xảy ra.

 7. Chiến lược chăm sóc bệnh nhân MGD tại Tuệ Anh Eyecare

 Đến với Tuệ Anh eyecare, bạn sẽ được các bác sỹ chuyên khoa giàu kinh nghiệm khám, tư vấn và điều trị theo phác đồ của The international workshop on MGD. Đây là phác đồ mới nhất được cập nhật điều trị dựa trên từng mức độ cụ thể của bệnh.

 Đặc biệt phòng khám cũng cung cấp cho bạn các gói điều trị tái khám định kỳ giúp ngăn ngừa và điều trị sớm các đợt cấp tính cũng như biến chứng có thể xảy ra của bênh.

 ĐẶT LỊCH THĂM KHÁM VỚI BÁC SĨ: https://tueanh.vn/lien-he