LỖ HOÀNG ĐIỂM: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ CHẨN ĐOÁN BỆNH

LỖ HOÀNG ĐIỂM: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ CHẨN ĐOÁN BỆNH

Hoàng điểm là vùng trung tâm võng mạc, tập trung hầu hết tế bào nón, đảm nhiệm vai trò nhận biết mầu sắc và thị lực tinh tế (đọc, nhận biết chi tiết). Hoàng điểm đồng trục với lỗ đồng tử nên nó thu nhận hầu hết lượng ánh sáng chiếu vào mắt, do vậy đây là nơi dễ bị tổn thương nhất.

 

Lỗ hoàng điểm là thuật ngữ chỉ tình trạng hoàng điểm xuất hiện lỗ ở trung tâm gây suy giảm thị lực .

Nguyên nhân lỗ hoàng điểm? 

Lỗ hoàng điểm có thể do các nguyên nhân bên trong và bên ngoài gây ra, bao gồm:

- Bệnh lý: nổi bật nhất là đái tháo đường. Một tình trạng mắt bẩm sinh khác như bệnh Best’s cũng có thể gây ra lỗ hoàng điểm. 

- Sự lão hóa của mắt: do sự giảm thể tích của dịch kính (bong dịch kính sau). Dịch kính là chất lỏng trong suốt, lấp đầy nhãn cầu và định hình nhãn cầu. Dịch kính bình thường dính chặt vào võng mạc. Qua thời gian, khối lương chung của khối dịch kính giảm, làm tăng áp lực lên võng mạc do các dải xơ bị bật ra khỏi võng mạc và gây ra giật mạnh lên võng mạc, tại vị trí hoàng điểm, sự bong dịch kính sau này gây ra lực co kéo tiếp tuyến với bề mặt và gây ra lỗ hoàng điểm.

- Chấn thương: do sang chấn bên ngoài và những nguyên nhân liên quan đến các mô xung quanh như bong võng mạc. Các sang chấn này gây nên phù nề các mô xung quanh hoàng điểm, có kéo lên bề mặt và gây ra lỗ hoàng điểm thứ phát.

- Cận thị nặng: Đây là một yếu tố nguy cơ cao. Những người cận thị nặng có trục nhãn cầu tiếp tục kéo dài theo hướng trước sau làm tăng lực kéo giãn lên bề mặt vùng hoàng điểm theo hướng tiếp tuyến, cùng với sự tiến triển của cận thị sẽ gây biến chứng lỗ hoàng điểm.

Triệu chứng và chẩn đoán lỗ hoàng điểm

Lỗ hoàng điểm thường tiến triển âm thầm với biểu hiện nhìn mờ và dễ bị bỏ qua.

Khi lỗ đã tiến triển thành giai đoạn toàn phát, ngoài biểu hiện nhìn mờ, suy giảm thị lực nhiều, người bệnh sẽ có triệu chứng mất thị trường trung tâm ( người bệnh nhìn xung quanh vẫn tốt, nhưng không nhìn được chi tiết hoặc có điểm đen chính giữa)

Chẩn đoán lỗ hoàng điểm bên cạnh việc thăm khám đáy mắt, chủ yếu dựa vào chụp cắt lớp võng mạc ( chụp OCT). Đây là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại sử dụng ánh sáng đâm xuyên các lớp võng mạc, không xâm lấn và có thể thực hiện nhiều lần trong quá trình chẩn đoán, điều trị và theo dõi bệnh lý này.

Giai đoạn muộn của lỗ hoàng điểm có biến chứng bong võng mạc, người bệnh sẽ có biểu hiện suy giảm thị lực trầm trọng